Lộ trình trở thành Designer cho người trái ngành

Vuituoi
Viết bởi Vuituoi lúc
Lộ trình trở thành Designer cho người trái ngành

Câu hỏi này của bác Pằng Chéo trên slack Eggcademy, cũng khá liên quan tới câu chuyện cá nhân nên xin mạn phép trả lời, ở đây.

Trước khi quá chi tiết thì mình show nhẹ cái lộ trình mình đi lên từ:

Non-professional Musican / Barista → Graphic Designer → UI Designer

Có thể nói là tai nạn lắm nên mình mới dây vào cái nghề design này, ban đầu mình nhắm theo học về mảng âm thanh, thu âm các thứ nhưng trời xui đất khiến như nào ĐH Hoa Sen shutdown khóa đấy nên trong thời gian rãnh rỗi, mình tập chơi nhạc để cải thiện kỹ năng và đi làm pha cafe, pha sữa ở mấy quán teen đú. Rồi bẵng khoảng 1 năm như vậy, thì thằng bạn nó drop ĐH kinh tế để theo design, mình thấy hay hay nên cũng gom tiền đi học chung luôn.

Nói chung hồi đó đi học để đú thôi. :D

Lúc đó mình, như bao bạn trẻ khác, chọn Arena Nguyễn Đình Chiểu để học. Mình học đâu đấy được 2 học kỳ thì drop vì không thích cách giảng dạy ở đó nữa và bắt đầu đi làm.

Công ty đầu tiên mình đi làm là YAN News, thuộc YAN Group aka. YAN TV hồi đó với chức vụ Graphic Designer. Làm được ngót nghét 4 năm thì mình chán và đi học lớp của bác Phowr đây. Cuối cùng, ngay cái dòng này. Mình đang là UI Designer ở VEN Creative.

Sơ qua tóm lại thì: Đi học → Ra đi làm

Học? Học như nào? Học ở đâu?

Không như cách đây 4 năm, bây giờ có rất nhiều nơi giảng dạy cho mảng ngành nghề này, với đủ phân khúc cho các bạn lựa chọn. Từ các khóa ngắn hạn chỉ 2-3 triệu, tới các bậc học xong ra có bằng ĐH hẳn hoi luôn. Ở đây mình không so sánh hay đánh giá trường lớp nào cả nhưng việc học cũng không khác gì xách tiền đi đầu tư nên thành ra trước khi đóng học ở một nơi nào đó thì bạn nên tìm hiểu qua về career path của design vì:

Design rất là rộng lớn

Sơ sơ ra thì mình thấy đã có phân chia kiểu 2D Design, 3D Design rồi Motion Design, UI/UX Design, Game Design, Fashion Design, Packaging Design. Nói chung là thế, bạn sẽ có rất nhiều lựa chọn để phát triển cho nên bạn cần phải chuẩn bị trước để không bị đứng núi này mà tiếc núi nọ.

“Nhưng mà nhiều quá.. mình thì lại mới chập chững nên không biết bắt đầu từ cái nào.”

Chính xác! Khi đối mặt với nhiều sự lựa chọn sẽ khiến con người tụi mình dễ rơi vào kiểu không thể quyết định được. ( Cho nên mấy ông con trai thôi bêu rếu chị em mỗi khi họ diện đồ đi chơi đi. :D ) Tuy rằng mình liệt kê sơ thôi nhưng cũng đúng là nó nhiều thật nhưng cái điều mà mình muốn hướng đến ở đây không phải là tên công việc đâu, mà chính là những kỹ năng yêu cầu ở phía sau nó và hầu hết, chúng đều tương tự nhau chỉ khác nhau ở độ ưu tiên thôi.

Mình xin ví dụ nhỏ nhỏ: Kỹ năng vẽ tay, là cực kỳ cần thiết cho các bạn làm Fashion Design, Game Design, 2D nhưng khi qua UI/UX thì lại không nhất thiết là bạn phải quá giỏi. Hoặc cách vận dụng chữ - Typography thì các bạn làm về UI/UX lại rất cần, 2D cũng vậy nhưng các bạn 3D thì hầu như chả cần dùng tới.

Nên bạn có thể nhẹ nhỏm để đọc tiếp được rồi đấy. ;)

Cách để chọn kỹ năng mà mình muốn học?

Bạn có thể chọn theo sở thích cũng được, bằng cách lên Youtube hoặc Google search về nhánh design về mà bạn cảm thấy hứng thú để xem thử. Một lời khuyên nhỏ từ góc nhìn cá nhân rằng bạn nên coi thành quả cuối cùng trước để xem coi bản thân mình có bị kích thích không, sau đó bạn có thể tìm một số video kiểu speed art để có cái nhìn rõ hơn về “phía sau cánh gà” và cuối cùng là bạn search thẳng kiểu như này “Kỹ năng cần thiết để trở thành bá chủ thiên hạ” để có được cái nhìn sâu hơn.

Cách thứ 2 hơi thực dụng một chút, là tìm theo nhu cầu thị trường và mức lương. Vì nói gì thì nói, design vẫn chỉ là nghề và nghề thì phải ra tiền, mà ra tiền thì phải tùy theo nhu cầu thị trường thôi. Để xác định sơ sơ cái này thì hồi xưa mình hay nằm vùng trong mấy group facebook để hóng tin tuyển dụng cũng như theo dõi tin tức sơ sơ trong ngành kết hợp với hỏi han bạn bè xung quanh, nhưng chủ yếu vẫn là theo dõi cộng đồng và thị trường. Còn nếu bạn không đủ kiên nhẫn “du kích” như mình thì có thể lên thẳng các trang rao việc để tìm cũng được, cách này thì nhanh hơn nhiều nhưng bạn sẽ vô tình bỏ qua những điều mà chỉ có ở những group cộng đồng mới có - DRAMA.

Đùa đấy!!! xD Lý do mà mình nằm vùng đúng là vì xem lương bổng thật nhưng ngoài ra là còn để xem bản thân mình có hợp với nghề đó không, có hợp với tính cách chung của cộng đồng này hay không và cũng là một thước đo nhỏ về mức độ yêu thích của mình dành cho mảng nghề nghiệp đấy, hay chỉ sáng nắng chiều mưa đêm trở gió.

Và tiếp theo, giả dụ như bạn đã tìm được cho mình vài kỹ năng muốn học rồi thì mình sẽ đi tiếp phần tiếp theo.

Nơi dạy

Như mình có nói ở trên, có rất nhiều nơi dạy design, chỉ là tùy vào mục tiêu nghề nghiệp của bạn thôi và mình cũng không thể nào chỉ cho bạn biết được chỗ nào xịn, chỗ nào không nhưng mình có thể cũng cấp cho bạn một vài bí quyết nhỏ của một người từng trải để bạn có sự khởi đầu dễ dàng hơn một chút.

Hiện tại, theo như cá nhân mình quan sát được thì đang có 3 cách dạy design ở VN mình.

  • Dạy sử dụng công cụ thiết kế trước. Cách dạy này là phổ biến nhất từ trước tới nay, một số trung tâm nổi bật ở cách dạy này đó là hệ thống của ARENA (ARENA Nguyễn Đình Chiểu, FPT, Keyframe,…).
    • Ưu: Học xong ra đi làm được liền (mình là một ví dụ), kiến thức tương đối dễ nuốt, đa dạng từ các kiểu graphic thông thường tới cả 3D hay làm phim dễ hấp thụ, cách dạy cũng tương đối bài bản, học xong có cấp bằng (dù bằng cấp ở mảng này không mấy ai cần nhưng nếu bạn nào được ba mẹ chu cấp thì họ vẫn sẽ cần thấy cái này)
    • Nhược: Vì kiến thức thì nhiều mà thời gian học lại ngắn (khoảng 2 năm, học 3 buổi / tuần) nên còn khá sơ sài, đặc biệt là những kiến thức cơ bản, giảng viên có người dạy tốt, người thì không, cơ sở vật chất chưa cao và giáo trình cũng khá là lạc hậu.
  • Những bạn nào còn trẻ, vừa mới tốt nghiệp cấp 3 hoặc có nguyện vọng đổi chuyên ngành thì khá thích hợp bởi các bạn sẽ được trải nghiệm sơ lược qua hầu hết các dạng kiến thức khác nhau để từ đó dễ đưa ra lựa chọn cho chính bản thân mình hơn.

  • Môi trường sư phạm. Đó là các trường Cao Đẳng - Đại Học có chuyên ngành thiết kế như Hoa Sen, Hoa Súng, RMIT, Kiến Trúc,…
    • Ưu: Kiến thức được hệ thống khá chắc chắn và bài bản, giáo trình được biên soạn chất lượng và có cập nhật, giảng viên hầu hết đều có thâm niên nhất định trong nghề, cơ sở vật chất khá tốt, có thư viện xịn để tham khảo, có cấp bằng cấp sau khi hoàn thành chương trình học.
    • Nhược: Thời gian học khá là dài (3-4 năm), vì là môi trường sư phạm nên thường hay phải học kèm với một số môn bắt buộc khác, sau khi học thường mất một chút thời gian ngắn để có thể có được công việc ưng ý.
  • Thích hợp với các bạn ở nhóm trên, đó là vừa tốt nghiệp cấp 3, có tư tưởng go pro từ sớm hoặc muốn chuyển ngành nghề.

  • Chú trọng kiến thức, tư duy. Đây thường là những khóa học ngắn hạn hay workshop kéo dài khoảng 1 tuần tới 2 tháng tùy vào mật độ buổi học, điển hình là Design 101 với khóa Fundamental Basics, khóa học về màu sắc, layout, branding của Vũ Thu Hương và mới đây nhất là De-Sign.
    • Ưu: Thời gian học ngắn, kiến thức rất chuyên sâu và nâng cao nhưng nhờ có lối giảng thú vị nên không khó để tiếp thu, giảng viên chuyên nghiệp, có thâm niên và tầm ảnh hưởng nhất định trong nghề, đặc biệt là công tác giảng dạy và đi làm song song với nhau nên khá nắm rõ thị trường, đôi khi kiến thức không chỉ từ bài giảng mà từ chính kinh nghiệm thực tiễn mà họ truyền đạt cho. Học phí rẻ nữa :D
    • Nhược: Thời gian học cực ngắn, gấp rút vô cùng và với kiến thức nâng cao thì đòi hỏi người học cần rất nhiều nỗ lực để có thể theo được. Một số kiến thức tương đối khó áp dụng vào thị trường trong nước.
  • Những khóa học ngắn hạn như này chính là cứu cánh cho các bạn học tập trung vào công cụ từ đầu trong việc bổ sung kiến thức nhưng vẫn có thể đảm bảo thời gian để chăm lo công việc hiện thời nhưng cũng không giới hạn cho bất kỳ ai muốn mở mang thêm kiến thức cho mình bởi thời lượng học cũng không quá dài mà học phí lại không cao. Một vấn đề khác là những workshop dạng này thường không có lịch mở lớp cố định, nếu bạn có ý định tham gia thì nên follow facebook hoặc website để chờ thông báo.

List nhỏ ở trên chỉ là một vài nơi mà mình quan sát thấy khá nổi bật trong suốt những năm gần đây, có thể mình sẽ bị thiếu đôi chỗ và mình tin chắc là như vậy nhưng may mắn một điều là DxMag đã có một danh sách tổng hợp rất chi tiết về vấn đề này, xem link dưới đây!! Cảm ơn DxMag!! :>

http://mag.dxsaigon.com/where-to-study-design-in-saigon/

Và sau khi bạn xác định được việc mình sẽ nuôi dưỡng kiến thức ở đâu và lại giả dụ thêm một lần nữa là bạn đã hoàn thành khóa học một cách tốt nhất có thể thì xin chúc mừng bạn, bạn đã đặt được một ngón chân vào vị trí Designer rồi!!!!! xD

Tại sao lại chỉ có một ngón chân thôi á? Vì đây chỉ mới là giai đoạn đầu thôi, bạn còn chưa biết mình sẽ bắt đầu công việc đầu tiên như thế nào, hay ở đâu nữa kia mà. Cho nên đừng vội. Đọc tiếp nhen!

Với rất nhiều kiến thức bạn đã học ở trường lớp, đặc biệt là những kỹ năng bạn đã tôi luyện trong suốt một thời gian kha khá thì chắc chắn là bạn cũng đã có một vài nơi trong tầm ngắm để gửi gắm bản thân. Nhưng cho dù có thế đi nữa thì thị trường đôi khi lại rất khắc nghiệt, cái bạn có lắm lúc lại chả phải cái họ cần nên thành thử ra có rất nhiều bạn đã phải hi sinh ít năm trong sự nghiệp để có được một vị trí vững chắc trong nghề, cắm rễ đủ lâu để vươn ra những nhánh cây cao xa hơn. Mình và bạn chắc chắn đều không muốn như thế cho nên..

Làm ở đâu?

Trước khi trả lời, các bạn nên tự có một kế hoạch 3 hoặc 5 năm đã. Nó không cần chi tiết đâu, chỉ cần ngồi tưởng tượng xem sau vài năm ấy thì bạn sẽ thấy mình đang ở đâu? Vì bạn cần phải ít nhất là biết mình sẽ đi đâu thì mới có thể tìm được con đường chính xác để đi được và như đã nói từ đầu, design rất là rộng lớn, không khéo là lạc đường rồi bị sẩy chân thì thôi xong luôn.

Và tùy vào mục tiêu của bạn, bạn bắt đầu cân nhắc những lựa chọn của mình và lên kế hoạch tìm việc. Hiện tại với những bạn trẻ khỏe, vừa ra trường thì môi trường agency khá là thích hợp bởi ở đây, trong một thời gian ngắn bạn sẽ học được rất rất rất rất là nhiều thứ ở đấy. Từ khả năng xử lý tình huống nhanh tới cách quản lý thời gian bởi vì cũng 8 tiếng đi làm như bao người mà bạn phải giải quyết vô vàn rất nhiều thứ, đôi khi phải đốt cháy giai đoạn của bao nhiêu thứ chỉ để tiết kiệm thời gian để lao vào làm cho xong, làm cho ra đặng kịp deadline mà gửi đi. Đây từ lâu đã là văn hóa chung của agency trong nước rồi và agency thì họ adapt rất nhanh, biến đổi muôn kiểu nên thị trường kiểu nào cũng có.

Ngoài ra, agency cũng là nguồn networking cực kỳ tốt do tỷ lệ đào thải cao nên nếu bạn kiên trì trong khoảng 6 tháng trở lên là bạn đã có cho mình rất nhiều bè bạn, đồng nghiệp trong ngành, chưa kể lắm lúc bạn còn được làm trực tiếp với khách hàng nên sẽ rất có lợi cho những bạn nào có mong muốn dự định làm freelance trong tương lai hoặc chỉ để tranh thủ kiếm thêm.

Về lương bổng, trợ cấp thì tùy vào agency và cũng tùy vào thị trường của từng ngành nhưng nhìn chung thì tạm được, khuyên nhỏ là không nên ở lại làm cho một agency quá lâu, bạn nên một hai năm đổi một lần để lương biến chuyển đáng kể. Hoặc trong trường hợp bạn được đề bạt thì có thể ở lại đóng góp túy, cái này tùy vào dự định của bạn ở lúc đầu thôi.

Còn về công viêc thì ở đây ngoài những kỹ năng làm nhanh, làm lẹ thì nó cũng đòi hỏi rất nhiều sự sáng tạo và yêu cầu sản phẩm cũng thường ở mức cao nên sẽ cực kỳ stress, ảnh hưởng tới balance work-life cực nhiều nên bạn cần chuẩn bị tinh thần. Với cái nữa là bạn sẽ được tiếp xúc với rất nhiều loại ngành doanh nghiệp khác nhau, điều này sẽ cho bạn rất nhiều kiến thức để gia tăng giá trị của bản thân sau này.

Nói chung, bước vào agency thì bạn không cần quá xuất sắc, tự khắc môi trường này sẽ tôi luyện khả năng cho bạn. Được nhiều hơn mất, khuyến khích các bạn mới ra trường và còn trẻ, đời còn dài đến đây luyện công.

Điểm dừng chân tiếp theo cho một vài cao nhân đã chán chê sự khắc nghiệt của môi trường trên chính là về nhà lôi máy tính ra làm freelancer hoặc đi làm designer inhouse cho các brand lớn. Cá nhân mình thì đây mới chính là lúc bạn thực sự được làm công việc design bởi áp lực thời gian lúc này đã không còn quá nhiều nữa, riêng freelancer thì thi thoảng sẽ gặp thôi nói chung là bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để thử nghiệm, học thêm những kiến thức mới hoặc làm song song nhiều job để cóp tiền sắm nhà. :D

Gõ một chút về làm freelance, đúng là bạn sẽ có nhiều thời gian hơn thật, bạn sẽ học thêm được nhiều hơn thật nhưng chủ yếu sẽ là về học kỹ năng quản lý công việc và quản lý khách hàng của mình là chính bởi bạn sẽ làm hết tất tần tật công việc của một người đi sale, của một người account và kế toán cho chính bản thân mình. Cũng sẽ stress lắm đấy nhưng thú vị hơn nhiều, kinh tế thì không ổn định lắm, tùy vào khoảng thời gian nào trong năm và khả năng bản thân nhưng rất đáng để thử.

Còn cho các bạn chọn tạm dừng chân ở designer inhouse, các bạn sẽ là tỷ phú thời gian, thời gian đó bạn sẽ được đầu tư để nghiên cứu về công việc bạn đang làm, về mảng mà công ty bạn đang phụng sự từ đó bạn sẽ có một cái nhìn sâu hơn, kỹ hơn về cái mà bạn đang chịu trách nhiệm cho. Những sản phẩm đầu ra lúc này không cần phải hào nhoáng mà phải hiệu quả, có ích cho kết quả đem về công ty. Bài học trên ghế nhà trường sẽ dần có ích ở môi trường này bởi những kiến thức khi đi học sẽ là tiền đề để bạn có thể tự phát triển một cách bền vững. Một điều thú vị khác là các công ty dạng này thường chi rất mạnh để đào tạo nhân viên, tất nhiên là có đi kèm điều kiện nhưng căn bản là bạn được học free thì cũng khá là tốt rồi nhỉ? :D

Lương bổng thì hơi èo ọt một chút nhưng trợ cấp và thưởng thiếc các thứ thì nhiều cực kỳ nên thích hợp cho những bạn có ước nguyện tu thân phát tướng. Nếu gắn bó lâu dài thì cũng có thể khá chán, khuyến khích lâu lâu đổi công ty một lần nếu muốn lương nhảy số đáng kể.

Công việc thì không đa dạng lắm nhưng được cái không có nhiều áp lực, cũng không đòi hỏi đầu vào quá cao, lại có nhiều thời gian để thử này thử kia, áp dụng cái mới và cải tiến cái cũ. Thậm chí có cả thời gian để đi học thêm vài cái workshop cho ấm thân.

Ngoài những cái mình kể trên, hẳn sẽ còn vài kiểu công ty nữa mà mình không thể cover hết được nên các bạn có thể tham khảo sơ qua link NÀY của bên DxMag để có cái nhìn tổng quan hơn về thị trường. Vâng lại là của DxMag xD

Vô cùng đội ơn!

À, còn một điều nữa! Các bạn không nhất thiết phải đi theo lối mòn của hầu hết nhiều bạn bây giờ là đi làm agency trước rồi chuyển qua làm inhouse nhen, hãy cứ thoải mái lựa chọn môi trường phù hợp với chính mình, với mục tiêu đề ra. Hãy nghĩ xa và nếu có thể, lấy ngắn nuôi dài càng tốt.

Tới lúc này, bạn đã có kỹ năng công việc cần thiết, định hướng cá nhân và xác định được nơi để gửi gắm bản thân rồi. Mọi thứ trông có vẻ ổn đấy chứ nhỉ, chỉ trừ một việc là mọi thứ vẫn chỉ ở trong đầu, bạn vẫn chưa được ngồi lên cái ghế xoay, tay chưa quẩy wacom trên bất kỳ công cụ design nào đấy, chưa được ngồi tại công ty mà bạn nhắm đến. Mọi thứ đúng là vẫn chỉ là một kế hoạch, dự định. Không hơn không kém! Và để biến những điều trên thành hiện thực, bạn cần cho mình một cái gì đó gọi là portfolio hay đôi chỗ sẽ gọi nó là hồ sơ năng lực và một chiếc CV con con để đi xin việc.

Portfolio

Đúng, cái này hẳn bạn đã được nghe nhắc đến phát chán, từ mấy ông bà giảng viên tới cả thằng bạn học ngồi cạnh nữa và lúc này đây, lần đần tiên trong cuộc đời designer, bạn được thực sự tìm hiểu về nó, tạo ra nó và sử dụng nó để kiếm cho mình một vị trí trong cuộc đời designer khổ cực này.

Ngày nay, việc chuẩn bị portfolio cho mình khá đơn giản. Chỉ cần đăng ký tài khoản trên Behance hoặc tạo một trang blog trên Tumblr và up work lên đấy là xem như xong, cơ bản là vậy. Nhưng cũng vì dễ nên chất lượng cũng thường không được trau chuốt lắm và những người đi tuyển dụng lại khá nhạy cảm với những sản phẩm không đạt chuẩn. Cho nên để porfolio đạt được hiệu quả như mình mong muốn thì các bạn cần trau chuốt một tí. Cái này thì thiên về con mắt thẩm mỹ của mỗi cá nhân thôi nên nếu bạn chưa cảm thấy tự tin lắm thì có thể học từ những showcase nổi bật trên Behance cũng được. Việc này sẽ có thể ngốn của bạn một lượng thời gian tương đối nhưng bù lại, chỉ cần vài ba work như vậy thì giá trị của bạn trong mắt người tuyển dụng cũng đã tăng lên đáng kể.

Và thường thì khi vừa ra trường, work của bạn còn khá là hạn chế và không được tốt cho lắm. Để tránh làm cho portfolio của mình bị đánh giá không tốt, bạn có thể tự thêm thắt, chỉnh sửa trên những cái đã có để trông dày hơn, có chiều sâu hơn hoặc bạn có thể bịa hẳn ra một design mới mà bạn cảm thấy tự tin nhất khi nộp cũng được. Trong trường hợp bạn quá ít work thì chỉ có một cách là “chế” ra vài sản phẩm thôi.

Một chú ý nho nhỏ là hạn chế một portfolio chỉ toàn hình với hình không thôi, hãy viết một chút về project bạn đã làm, vai trò chính của bạn là gì, mục tiêu chính của project và design của bạn đã đạt được điều đó hay chưa. Những dòng bạn viết ra không nhất thiết là phải đúng 100%, nó có thể “thổi phồng” lên một chút. Đừng ngại showoff những gì bạn nghĩ trong đầu khi đi xin việc.

CV hoặc resume

Cái này thường bị đánh giá thấp, nhất là những bạn trẻ nhưng bạn có biết là những người tuyển dụng thường chỉ bỏ ra khoảng 10 giây để quyết định đọc tiếp hay cho loại một ứng viên dựa trên CV không thôi không. Và mình hiểu là, khi vừa bước ra khỏi cánh cửa nhà trường thì lấy đâu ra nhiều thông tin để mà viết, nhất là khoản kinh nghiệm trong công việc cho nên bạn mới càng phải trau chuốt hơn về tính thẩm mỹ của CV, mọi thứ phải có sự đồng nhất trong đó, rõ ràng và tường tận về bản thân mình. Nội dung bên trong chỉ nên là những gì liên quan đến mảng công việc mà bạn apply, hạn chế các thông tin không có giá trị như là “Giải nhì nét làng” hay “Vô địch điền kinh năm lớp 7”. Nó sẽ khiến CV của bạn trông rất là không hay và càng thể hiện sự thiếu kinh nghiệm chuyên môn.

Cho nên, như đã gõ ở trên, bạn nên để ý nhiều hơn cho CV của mình. Tránh dùng những mẫu template trôi nổi trên mạng, chúng thường có nguy cơ gây trùng với các ứng viên khác và chỉ tổ làm bạn dễ bị đánh rớt mà thôi.

Mẹo linh tinh: Dù bản thân mình không thường hay nhảy việc nhưng hầu như công ty nào mình nhắm đến cũng ít nhất lọt vào vòng phỏng vấn nên cá nhân cũng có chút ít kinh nghiệm muốn để lại. Rằng là đối với portfolio, bạn không cần phải gửi hết tất cả những gì bạn có, hãy show những gì mà họ muốn thấy, cố gắng chọn lọc ra tối đa 5 work có nhiều liên quan nhất tới công ty bạn muốn tham gia vào. Ví dụ như bạn muốn xin một chân trong một công ty chuyên thiết kế bao bì sản phẩm mà bạn lại gửi hết một lô work làm banner hay layout website thì thật sự là không hợp lý chút nào.

Áp dụng tương tự lên CV luôn, hãy chỉ viết và show ra những gì họ cần biết ở bạn là đủ.

Sơ sơ qua một vài cái trên, trông có vẻ dài nhưng thật ra cũng không quá khó đâu, chúng khá là cơ bản và nhờ chúng mà mình mới có thể có được công việc đầu tiên của mình ở YAN cũng như dễ bề chuyển qua một công ty ở một lĩnh vực khác trong thời gian ngắn như vậy. Những điều trên sẽ rất mất thời gian nhưng chúng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều đấy, không chỉ trong những năm tháng đầu tiên không thôi đâu.

Và còn một chút nữa, một đoạn nữa mới hết, đoạn này cũng tương đối quan trọng, nó là một phần khác mà suốt mấy năm qua mình nhận ra được. Ráng đọc nốt nhen!

Kỹ năng mềm

Đúng rồi ấy, bạn đọc không lầm đâu!! Những kỹ năng mềm này tuy nhỏ nhưng sẽ lại là chìa khóa để bạn giữ được công việc của mình và phát triển cũng như đạt hiệu quả cao nữa nên nếu cá nhân còn thấy yếu điểm gì thì nên cố gắng bổ sung thêm.

Thứ nhất là kỹ năng giao tiếp vì sẽ rất khó khăn nếu bạn không thể nói chuyện được với ai trong công ty, hay chí ít là những người xung quanh. Đặc biệt là trong trường hợp bạn đang cần giúp đỡ hay không hiểu brief. Nên trong công việc, dù thế nào đi nữa, hãy cố gắng hòa đồng cùng mọi người, nói ít cũng được, thế thì càng tốt nhưng miễn sao bạn tỏ rõ được là bạn luôn mở rộng lòng với mọi người.

Tiếp theo, thứ hai, kỹ năng research. Đúng là bạn có thể hỏi nhưng không phải câu hỏi nào cũng sẽ có người đủ thời gian để giải thích cho bạn, thành ra để tiết kiệm thời gian và công sức của chính mình và mọi người. Hãy tự tìm hiểu vấn đề trước đã!!! Hãy google, xem tutorial và thử tự giải quyết trước khi phải khều vai ai đó bên cạnh cầu cứu.

Cái cuối cùng, Anh Ngữ. Bạn không thành thạo ngôn ngữ này cũng không có vấn đề lắm nhưng vì nghề design còn khá mới ở trong nước nên để có thể tự học, tự phát triển hay đào sâu nghiên cứu một cái gì đó thì các tài liệu liên quan thường hầu hết được viết bằng tiếng Anh. Ngoài ra, nó cũng giúp ích cho bạn trong giao tiếp trong trường hợp công ty bạn có đồng nghiệp người nước ngoài.

Đấy, chỉ 3 cái thế thôi nhưng đó cũng không phải là duy nhất. Càng sống lâu trong nghề này, bạn sẽ càng tự đúc kết cho mình được những kỹ năng khác mà chỉ bạn mới có thể có mà thôi. Cho nên bạn cứ từ từ mà tận hưởng.

Kết bài

Mở bài, thân bài đã có thể gọi là hoàn chỉnh và đây là khúc kết bài.

Nói chung tóm gọn là như ban đầu mình có đưa ra là: Học → Làm. Đôi khi chúng sẽ theo quy trình như vậy, nhưng sẽ có lúc là ngược lại hay thậm chí là song song cùng nhau. Chỉ muốn các bạn luôn nhớ một điều là kiến thức của design không bao giờ là đủ cả, sẽ luôn có một thứ gì mới để cho bạn học, để cho bạn phải tò mò và khát khao được làm thôi. Và cũng hãy thật khiêm tốn, tôn trọng đồng nghiệp xung quanh để giữ thể diện cho chính mình, hạn chế stress từ các nguồn linh tinh.

Vậy thôi! :D

Bài viết của Duy Tran / Eggcademy.

Bình luận