Sao chép cổ nhân

Loca
Viết bởi Loca lúc
Sao chép cổ nhân

Phần dưới đây là một là tiểu luận hay nhất từng được viết về việc sao chép các bậc thày. Nó khiến truyền thống vẽ ‘theo lối vẽ’ của một bậc thày trong quá khứ trở nên minh bạch dễ hiểu!

Người học vẽ phải sao chép các tranh cổ, cũng như người học viết phải nghiên cứu cách viết đẹp được truyền lại qua nhiều thế hệ. Y phải đặt tâm trí trong trạng thái cảm thấy như thể chính y đang vẽ bức tranh đó. Đó là cách học có hiệu quả. Còn cố sao chép cho chính xác thì cũng giống như đạo văn. Đầu tiên y cần sao chép một hoạ sỹ, rồi mở rộng sao chép những hoạ sỹ khác và, quan trọng hơn, y cần cảm thấy như thể chính y đang thâm nhập vào bức tranh và cần đồng cảm với điều hoạ sỹ muốn nói. Thế rồi y sẽ có thể tìm thấy chính mình (‘Vì sao ta là ta’). Đầu tiên y dựa vào những người khác, sau đó y có thể đứng độc lập. Ví dụ Cự Nhiên [2] vẽ theo Đổng Nguyên [3], Mễ Phí [4] và con trai cũng vẽ theo họ Đổng, rồi Hoàng Công Vọng [5], Vương Mông [5], Nghê Toản [5] và Ngô Trấn [5], tất cả đều vẽ theo họ Đổng. Chỉ cùng là một thứ vậy mà không hề có tí dấu hiệu nào là đi theo lối mòn cả, mà mỗi người trong họ đã phát triển họa phái của riêng mình và đã ‘tìm thấy chính mình’. Người thời nay thường cố sao chép đường viền chính xác và các nét bút, vậy mà kết quả cũng chẳng khác gì thứ họ tự vẽ ra. Nguyên nhân không nằm ở đường viền và nét bút mà ở trình độ chung mà họ đạt được.

Nếu một người sao chép chỉ một phong cách hoặc một hoạ sỹ và không bao giờ thay đổi, thì sau một thời gian, y sẽ sa vào lối mòn, và hình thành một thói quen không sửa được. Mặt khác, y cần hiểu nguy cơ của một hạn chế như vậy, phát triển những ý tưởng của riêng mình để biểu hiện cá tính của mình (tính linh [6]), và bộc lộ bản thân mình trên cơ sở kỹ thuật của cổ nhân. Như vậy y sẽ không sa vào lối mòn mà sẽ có một sự điêu luyện thoải mái tự nhiên. Những nguyên tắc có trong các danh hoạ vĩ đại đời xưa cũng sẽ có trong y, và tác phẩm của y sẽ trường tồn. Đó là cách đứng một mình và tạo phong cách riêng. Sau đó, y tình cờ có thể giống một bậc thày nào đó trong quá khứ và gọi đó là ‘theo lối vẽ của’ người này người nọ, nhưng đó vẫn là phong cách của riêng y. Ta đã từng thấy các danh họa làm vậy khi họ ‘sao chép cổ nhân’. Đó là cách đi của một hoạ sỹ đích thực.

Tuy vậy, lúc mới bắt đầu, người học cần sao chép từng chi tiết, sao cho nó hầu như giống một phiên bản chính xác, bởi lẽ chỉ bằng cách đó người học mới phát hiện ra những cách thức và thói quen của hoạ sỹ mà y đang sao chép, chỗ nào hoạ sỹ thời xưa đã chú ý nhiều nhất và chỗ nào có vẻ như không chú ý nhưng thực ra là có. Dĩ nhiên, sau khi giai đoạn học nghề này kết thúc, y có thể đi một mình.

Mễ Phí tự kiềm chế không vẽ một nét nào của mình trong thư pháp cho tới tận năm bốn mươi tuổi. Những người cùng thời bảo ông là ‘nhà sưu tập thư pháp’ (集書: tập thư). Sau bốn mươi tuổi, ông mới thả mình tự do biểu đạt, và khá thành công. Hãy xem kỹ thư pháp của họ Mễ. Có thể thấy ở đây ảnh hưởng của Trương Húc (張旭, t.k. VIII), Chung Dao (鍾繇, 151 - 230), Vương Hy Chi (王羲之, 303 - 361), Vương Hiến Chi (王献之, 344 - 386), Âu Dương Tu (歐陽脩, 1007 - 1072), Ngu Thế Nam (虞世南, 558 - 683), Trữ Toại Lương (褚遂良, 596 - 658), v.v. Nhưng không nên tự giới hạn mình vào một hoạ sỹ. Liệu có kỳ vọng sau Chung Dao sẽ sinh ra một Chung Dao khác, hay sau Hy Chi một Hy Chi khác hay không? Và nếu có thì y sẽ chỉ viết ra ‘thư pháp nô lệ’ (奴書: nô thư) mà thôi. Thư pháp và hội hoạ ở đây là như nhau.

Vì sao nói người thời nay không bao giờ có thể bằng người thời xưa? Thời đại thì khác nhau, song người thời xưa và người thời nay có cùng một trái tim, cùng một đôi bàn tay, và cùng những kỹ pháp. Ngoài ra, tất cả các kỹ pháp đều đã được những người xưa phát hiện cả rồi. Người sinh ra ngày hôm nay có thể làm theo các kỹ pháp thời xưa, và trái tim cũng như hai bàn tay của họ nhờ vậy mà đã có cái phong vị nho nhã cao cấp rồi. Không còn kỹ pháp nào ngoại trừ bản chất và khí chất con người, và những kỹ pháp này đơn thuần chỉ dùng để biểu lộ khí chất của riêng chúng ta. Cho nên, mặc dù thời đại có khác nhau, sự thật kỹ thuật vẫn là một phương tiện biểu hiện khí chất và khí chất là cơ sở của kỹ thuật, bất kể thời xưa hay thời nay. Vì thế chớ nên nghĩ về cổ nhân mà quên mất chính mình khi sao chép cổ nhân, bởi lẽ ta có khí chất của riêng ta. Nếu khí chất của ta hòa hợp hoàn toàn với khí chất của cổ nhân, đó là vì kỹ thuật của cổ nhân là một biểu hiện khí chất của cổ nhân. Kỹ thuật giống nhau biểu hiện khí chất giống nhau. Vì thế điều quan trọng khi sao chép cổ nhân đó là ta có khí chất (và cá tính) của riêng ta. Nếu ta quên chính mình để sao chép cổ nhân, ta sẽ làm hại cả cổ nhân lẫn chính mình.

Cái cần tránh nhất trong nghệ thuật đó là sao chép mù quáng. Các chuyển dịch sống động, tư thế, sự phát triển, kiểu cách của bút và mực được hình thành nhờ một số quy luật nhất định nhằm tạo ra một biểu hiện tinh tế. Nhưng cũng có những sự cố mà cứ cố đòi chép lại thì vô nghĩa. Cái phải bắt kịp là sự điêu luyện của bút pháp. Sao chép từng nét bút là một việc vừa khó khăn lại vừa vất vả. Mối quan tâm của hoạ sỹ là làm thế nào biến nghệ thuật dụng bút thành của riêng mình. Nếu làm được như vậy thì cái ta biểu hiện chỉ là chính ta, cái bản ngã giống cổ nhân. Ta có thể vẽ hôm nay kiểu này, ngày mai kiểu khác. Mỗi bức tranh đều khác nhau, mà mỗi nét bút vẫn cổ xưa. Đó là tìm thấy mình trong sao chép cổ nhân vậy.

Bọn làm tranh giả cố gắng hết sức sao chép các kiệt tác cổ xưa và có thể lừa bịp không chỉ những người ngu ngơ mà cả những người am hiểu. Song, một khi tranh giả đã bị vạch trần, dễ thấy sự giả tạo của nó mà chẳng cần so sánh với bản gốc. Bọn đó tiêu phí năng lượng sống khi còn trẻ và đến già cũng vẫn không thể vẽ được nét nào của riêng mình. Thật ra, chúng rất có tài. Nhưng trong khi bận rộn làm tranh giả, mối quan tâm của bản thân chúng là sao chép chính xác từng chi tiết mà không hề nghĩ vì sao tác giả của bức tranh gốc lại làm thế. Mục tiêu của chúng là làm được sự giống bề ngoài chứ không phải là học hỏi. Và chúng đã chẳng học được gì trong khi hàng ngày vẫn úp mặt lên các bản gốc. Rốt cuộc ở đây cái tinh thần của các bậc thầy quá khứ mới là cái đã khiến bức tranh trở nên quan trọng. Chỉ chuyên tâm tới các dấu vết bề mặt mà không nắm bắt được cái tinh thần của bức tranh thì cũng tựa như tìm kiếm sự sống và vận động trong một hình nhân bằng đất sét. Hơn nữa, bị thôi thúc bởi một xung động tức thời, đến bản thân các cổ nhân cũng chẳng biết vì sao họ lại làm một thứ đặc biệt như thế này hoặc như thế kia. Đó không phải là thứ có thể sao chép được. Vì thế những kẻ sao chép mù quáng sẽ vừa tuột mất sự bí ẩn trong các tác phẩm cổ xưa vừa chôn vùi tài năng của chính mình. Suốt đời chúng sẽ chẳng bao giờ học được nghệ thuật đích thực của hội hoạ. Vấn đề là phải dùng các kỹ thuật và hình mẫu cổ xưa để biểu hiện cá tính của chính mình. Như thế tác phẩm của người vẽ ít nhất sẽ có dấu ấn của cá tính ngay cả nếu nó chưa hay bằng tác phẩm của các cổ nhân.

Dịch xong ngày 6. 12. 2019 / Chú giải của người dịch:

[1] Thẩm Tông Khiên (沈宗騫, 1736 - 1820) - hoạ sỹ và thư pháp gia, tác giả “Giới Chu Học Hoạ Biên” (芥舟學畫編, 1781) - một kiệt tác về lý thuyết hội hoạ Trung Quốc. Bộ sách gồm 4 tập: Hai tập đầu bàn về tranh phong cảnh; tập ba về chân dung; tập bốn về các nhân vật và một số vấn đề đặc thù. Phần dịch này là từ tập 3 bộ sách trên, với tựa đề 摹古 (Mô cổ).

[2] Cự Nhiên (巨然, t.k. X) - hoạ sỹ vẽ tranh phong cảnh thời Ngũ Đại Thập Quốc (五代十國, 907 - 979) và đầu thời Bắc Tống (北宋, 960 - 1279), học trò của Đổng Nguyên.

[3] Đổng Nguyên (董源, kh. 932 - 962) - hoạ sỹ vẽ tranh người và phong cảnh, cùng học trò Cự Nhiên sáng lập phong cách Nam Tống có tên tranh phong cảnh Giang Nam.

[4] Mễ Phí (米芾, 1051 - 1017) - hoạ sỹ, thi sỹ và thư pháp gia thời Tống, tạo ra phong cách vẽ phong cảnh mơ hồ trong sương mù, có tên phong cách Mễ Phí. Ông là một trong bốn thư pháp gia vĩ đại nhất đời Tống, bên cạnh Tô Thức (蘇軾, 1037 - 1011), Hoàng Đình Kiên (黃庭堅, 1045 - 1105) và Thái Tương (蔡襄, 1012 - 1067).

[5] Hoàng Công Vọng (黃公望, 1269 - 1354) - một trong bốn bậc thày cuối thời Nguyên (元末四大家: Nguyên mạt tứ đại gia), cùng Ngô Trấn (吴镇, 1280 - 1354), Nghê Toản (倪瓚, 1301 - 1374), và Vương Mông (王蒙, 1308 - 1385), được coi là một trong những danh hoạ văn nhân vĩ đại nhất vì đã tạo ra tạo ra bước ngoặt trong tranh phong cảnh Trung Quốc, ảnh hưởng sâu rộng tới các thế hệ hoạ sỹ vẽ tranh phong cảnh nhiều thế kỷ sau. Ông cũng viết một chuyên khảo nhan đề “Bí quyết vẽ tranh phong cảnh” (寫山水訣: Tả sơn thủy quyết).

[6] Tính linh (性靈), hay “cái tâm linh diệu”, hoặc “tri giác bẩm sinh”, là từ do văn phái của Viên Hoàng Đạo (袁宏道, 1568 - 1610) đề xuất, đặt cá tính của người viết cao hơn các nguyên tắc của nghệ thuật hùng biện (hay tu từ học).

© Nguyễn Đình Đăng, 2019 – Người dịch giữ bản quyền bản dịch tiếng Việt. Bạn đọc có thể lưu giữ bản dịch này để sử dụng cho cá nhân mình và chia sẻ nguyên văn và miễn phí trên internet. Mọi hình thức sử dụng khác như in ấn, sao chép, hiệu đính lại bản dịch này, dù là một phần hay toàn bộ, để phát hành trong các ấn phẩm như sách, báo chí, luận văn, hay nhằm mục đích thương mại (kể cả tại các trang blog, thư viện điện tử trên internet mà để đọc được hay tải xuống người đọc phải trả tiền để mở tài khoản) v.v. đều vi phạm bản quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của người dịch.

Thẩm Tông Khiên [1]

Nguyễn Đình Đăng dịch từ Lin Yutang, The Chinese Theory of Art.

Bình luận