Viết hoa, không viết hoa?
Những điều nhỏ nhặt như cách viết hoa cũng có thể là một vấn đề quan trọng. Bài viết được dịch lại từ “Making a case for letter case” của John Saito - UX writer tại Dropbox.
Liệu bạn có thể nhận ra điểm khác biệt trong 2 thông báo trên? Ồ, có vẻ như thông báo bên trái có nhiều chữ cái được viết hoa hơn. Nhưng việc viết hoa như vậy đâu có gì đáng quan trọng. Ai lại quan tâm điều đó cơ chứ?
Thực ra thì, nếu bạn đang design, hay viết nội dung cho một ứng dụng hay website, bạn nên quan tâm đến điều đó. Một điều nhỏ nhặt như việc viết hoa thực ra lại là một vấn đề quan trọng. Việc viết hoa hay không sẽ ảnh hưởng đến khản năng đọc, nhận thức của người dùng cũng như tính khả dụng của sản phẩm, không những thế, việc viết hoa hay không còn có tác động đến cả nhận thức của mọi người vể thương hiệu của bạn.
Chúng ta sẽ cùng nghiên cứu sâu hơn những điều này ở phần sau, nhưng trước tiên, hãy cùng nhau tìm hiểu một chút về cách viết hoa trong câu.
Title Case và sentence case
Trên hầu hết các sản phẩm và website ngày nay, có 2 cách để viết hoa ngôn từ
-
- Title case (viết hoa trong tiêu đề): Viết hoa mọi từ trong câu.
- Đây Chính Là Title Case.
-
- Sentence case (viết hoa trong câu văn thông thường): Viết hoa từ đầu tiên trong câu.
- Đây chính là sentence case.
Nếu bạn đã từng sử dụng một sản phẩm bất kỳ của Apple, bạn có thể sẽ thấy rất nhiều những trường hợp mà title case được sử dụng. Lý do là bởi hệ thống hướng dẫn thiết kế của Apple khuyến nghị việc sử dụng title case cho các thành tố về mặt UI của sản phẩm, trong đó bao gồm cả các tiêu để thông báo, phần danh mục, và cả các button.
Nếu bạn là người sử dụng các sản phẩm của Google, bạn sẽ lại có thể thấy sentence case được áp dụng nhiều hơn cả, và lý do cũng bởi vì hệ thống hướng dẫn thiết kế của Google khuyến nghị việc sử dụng sentence case cho hầu hết mọi trường hợp.
Cho dù bạn có là Apple fanboy hay Google fanboy, thuộc team iPhone hay team Android khi đưa ra quyết định về việc sử dụng title case hay sentence case, sẽ tốt hơn nếu bạn hiểu được ý nghĩa của việc sử dụng chúng trong các sản phẩm của mình. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về 2 cách viết hoa này nhé.
Title case có những ưu điểm gì?
Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu tại sao bạn lại muốn sử dụng title case.
Tính đối xứng
Một số người cảm thấy rằng title case trông ưng mắt hơn do sự đối xứng của chúng. Nếu bạn chỉ sử dụng những cụm từ ngắn, title case sẽ giúp đem đến cho ngôn từ của bạn một nhịp điệu tuyệt vời:
Đôi mắt con người thường sẽ tìm thấy vẻ hoàn mỹ trong sự đối xứng, và đôi khi, chỉ lý do đó thôi cũng là đủ để một nhà thiết kế hoặc nhà văn chọn sử dụng title case thay vì sentence case.
Tính nổi bật về mặt trực quan
Tính nổi bật về mặt trực quan thực chất chỉ là một cách nói khác của việc title case sẽ khiến thông điệp trở nên nổi bật hơn. Những chữ cái được viết hoa cũng giống như những cánh tay đang giơ lên 🙌, giúp nhấn mạnh hơn tiêu đề của bạn. Title case sẽ đặc biệt hữu dụng khi bạn không thể điều chỉnh font style, bởi nó sẽ giúp tạo ra sự khác biệt giữa phần tiêu đề và nội dung của bạn.
Bạn có nhận thấy phần tiêu đề của ảnh bên trái nổi bật hơn so với tiêu đề của ảnh bên phải không? Khi tiêu đề càng trở nên nổi bật hơn, sẽ càng có nhiều người hơn đọc nó.
Tăng thêm tính trang trọng
Title case đem đến cho câu văn của bạn cảm giác về sự trang nghiêm và quan trọng. Những trang web như The New York Times và USA.gov thường rất hay sử dụng title case, Chúng đem lại cảm giác về Sự Chuyên Nghiệp. Nghiêm Túc. Tính Xác Thực.
Sử dụng title case cũng giống như việc mặc lên cho những ngôn từ của bạn một bộ cánh lịch lãm. Với một vài thương hiệu cụ thể, bạn sẽ muốn những điều mình viết ra đem đến cảm giác nghiêm túc. Nếu bạn đang kinh doanh trong lĩnh vực an ninh, title case thường sẽ đem đến cho người đọc cảm giác chuyên nghiệp và đáng tin cậy hơn so với sentence case
Thử tưởng tượng bạn là một nhân viên của công ty, liệu thông điệp bên trái hay bên phải sẽ đem đến cho bạn cảm giác chuyên nghiệp hơn?
Vậy còn sentence case thì sao?
Tiếp theo, hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao bạn lại nên sử dụng sentence case trên sản phẩm hay website của mình
Dễ đọc hơn
Lý do lớn nhất cho việc tại sao bạn nên sử dụng sentence case là bởi chúng thực sự dễ đọc, đặc biệt là với các văn bản có nội dung dài. Bạn Có Thể Tưởng Tượng Việc Đọc Một Tiêu Đề Dài Sẽ Khó Khăn Tới Mức Nào Không Nếu Chúng Ta Sử Dụng Title Case?
Đó chính là lý do vì sao tôi cảm thấy bối rối khi nhìn thấy ảnh chụp màn hình của một thông báo trong bộ hướng dẫn thiết kế của Apple. (Đây cũng chính là bức ảnh chụp màn hình tôi vừa dùng ở trên)
Dễ để định nghĩa hơn
Theo UX writer đầu tiên của Google - Sue Factor, một trong những lý do chính tại sao Google quyết định sử dụng sentence case là bởi vì nó dễ giải thích với những nhà thiết kế và kỹ sư hơn. Trên giao diện sản phẩm, rất khó để thực sự xác định đâu là tiêu đề. Liệu tên của một tab có phải là tiêu đề? Thế còn các checkbox trong phần cài đặt thì sao? Và còn cả các tin nhắn xác nhận nữa?
Trên hết, có rất nhiều cách khác nhau để ứng dụng title case. Liệu bạn có muốn viết hoa những giới từ như “from” hay “through”? Thế còn những mạo từ như “the” hay “an”? Dựa vào phong cách mà bạn đang theo đuổi, những quy định cho việc sử dụng title case cũng sẽ khác nhau. Dưới đây là những quy định về việc sử dụng title case theo Apple:
Okie, hỏi nhanh một chút. Liệu bạn có nên viết hoa từ “about”?
Nếu bạn có nhiều người đang viết cho sản phẩm hay website của bạn, sẽ rất dễ để họ quên đi toàn bộ những quy tắc này khi sử dụng title case. Bạn có thể tránh được những sự rắc rối của vấn đề này bằng việc sử dụng sentence case ở mọi chỗ. Cách này sẽ giúp bạn tránh khỏi nhiều rắc rối hơn, bởi chỉ có duy nhất một cách để sử dụng sentence case.
Thân thiện hơn
Khác với title case, sentence case đem đến sự thân thiện và giản dị hơn cho người đọc. Tôi là một UX writer ở Dropbox, và chúng tôi chủ đích sử dụng sentence case bởi chúng tôi mong muốn thương hiệu của mình sẽ đem lại cảm giác tự nhiên và dễ gần. Chúng tôi nghĩ rằng thông điệp sản phẩm sẽ giúp tạo ra sự khác biệt cho chúng tôi với các đối thủ cạnh tranh, và sử dụng sentence case là một cách để thực hiện và duy trì việc này.
Dễ dàng hơn để phân biệt các danh từ riêng
Cuối cùng, sentence case cùng sẽ giúp việc đọc các cụm từ hay câu văn có danh từ riêng trở nên dễ dàng hơn. Danh từ riêng là các từ mà bạn sẽ luôn viết hoa, như là tên của bạn, New York, hay Microsoft.
Rất nhiều công ty ngày nay đặt cho những tính năng và sản phẩm của mình những cái tên mang tính mô tả cụ thể như “Inbox” hay “Calendar”, hay những cái tên khác lạ như “Spark” hay “Fantastical”. Nếu bạn sử dụng title case trong tất cả các button của mình, chúng sẽ khiến người dùng khó phân biệt được danh từ riêng trong câu, từ đó ảnh hưởng tới tính khả dụng của sản phẩm.
Vậy còn các cách viết hoa khác thì sao?
Title case và sentence case là 2 cách viết hoa phổ biến nhất, tuy nhiên, chúng không nhất thiết phải là những lựa chọn duy nhất cho bạn.
Với Window Phone 8, Microsoft sử dụng rất nhiều lowercase (cách viết chữ thường, không in hoa) trên giao diện của họ, kể cả với các tiêu đề và button.
Hay ở một trường hợp khác, với GIPHY, một trong những website ưa thích nhất của tôi, sử dụng UPPERCASE (viết hoa hết tất cả các chữ cái trong câu) trên giao diện của họ. Điều này cũng hợp lý thôi, do hầu hết các tấm hình meme hài hước đều sử dụng cách viết hoa này.
Còn bạn thì sao?
Title case hay sentence case đều có những ưu điểm của riêng mình. Với bất kỳ lựa chọn nào của bạn, hãy đảm bảo rằng đó là quyết định sáng suốt liên hệ trực tiếp đến thương hiệu hay sản phẩm của bạn. Điều tồi tệ nhất bạn có thể làm đó là không có bất cứ một tiêu chuẩn trong cách viết nào cả, điều sẽ dẫn tới những sự thiếu nhất quán và sai lầm mà bạn sẽ phải đau đớn sửa chữa nó sau này.Một khi người dùng bắt đầu nhận thấy sự thiếu nhất quán, họ sẽ dần mất đi niềm tin vào thương hiệu của bạn.
Viết hoa hay không viết hoa?
Vậy còn bạn thì sao? Bạn là một fan hâm mộ của sentence case hay Title Case? lower case hay CAPS? Hay bạn chỉ là một kẻ nổi loạn, thích tự tạo ra những luật lệ cho riêng mình? Bất kể lựa chọn của bạn là gì, tôi cũng sẽ rất vui khi được nghe ý kiến của bạn về việc này. Hãy chia sẻ suy nghĩ, hay đưa ra những câu hỏi của bạn trong phần comment dưới đây 👇
Chia sẻ bởi Son Nguyen / Eggcademy
Bình luận